eMegazine Ladakh du lịch có guu

Emagazine Ladakh: Miền Chân Trời Lang Thang

Fitzhugh Mullan từng nói: “Hãy thôi lo lắng về những ổ gà trên đường và tận hưởng cuộc hành trình.”

Câu nói này với tôi như một phép màu, đưa tôi đến Ladakh – Chuyến đi đáng nhớ nhất mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên.

Là một khu vực ở bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, Ladakh nổi tiếng với vẻ đẹp hoang dại, thiên nhiên hùng vĩ, văn hoá bản địa còn nguyên bản. Được bao quanh bởi những ngọn núi tuyết của dãy Himalayas và văn hóa và lịch sử của nó có liên quan chặt chẽ với Tây Tạng Ladakh được biết đến là Vùng đất của các Lạt Ma, Vùng đất của các Tu viện hay “Là nơi tận cùng của thế giới”.

Trong lịch sử, khu vực này là của người gốc Tây Tạng và có rất nhiều tu viện Phật giáo. Do đó, Ladakh cũng được gọi là “tiểu Tây Tạng” trên đất Ấn Độ và là Vùng đất thiêng đường trên dãy Himalaya.

Năm 2009, Điện Ảnh Ấn Độ trình chiếu bộ phim “Ba Chàng Ngốc”. Trong phim này, những thước phim được quay tại tại Ladakh đẹp đến nghẹt thở được giới thiệu qua những bối cảnh của đạo diễn Rajkumar Hirani. Không quá lời, Ladakh là đích thực là nơi níu giữ bao nhiêu tâm hồn mộng mơ lang thang.

Nằm cách thủ phủ Ladakh 150 km về phía Bắc, Nubra là thung lũng trù phú nhất toàn vùng Ladakh với trung tâm là làng Diskit. Từ Leh, để tới được được thung lũng Nubra, du khách sẽ phải vượt qua Khardung La, con đèo có độ cao hơn 5.000 m được mệnh danh là con đường dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới. Vậy nên, sự hấp dẫn của Nubra bắt đầu ngay từ hành trình dẫn tới thung lũng.

Trong nhiều thế kỷ, các đoàn lữ hành lớn mang theo len và vải, thuốc phiện, gia vị và đá quý… theo con đường Leh – Yarkand (ở Trung Quốc).

Bạn sẽ tìm hiểu thêm được nhiều hơn về Kinh nghiệm du lịch qua bài viết: Cẩm nang du lịch Ladakh.

Nubra đã từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa năm xưa.

Nơi đây cũng từng là thời hoàng kim của vương quốc Tạng cổ nằm ở dãy Himalayas.

Đường đến thung lũng là những ngôi nhà nhỏ, nằm giữa những lùm cây dương và cánh đồng lúa mạch.

Xa xa những tu viện Phật giáo nằm trơ trọi trên sườn đồi.

Lần đầu tới Nubra, chắc chắn bạn sẽ nghẹt thở trước vẻ đẹp tự nhiên của thung lũng. Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho những cảnh quan tuyệt sắc cùng những tu viện cổ sừng sững trên đỉnh đồi, nơi mà đứng từ đó, người ta có thể phóng tầm mắt rồi thu trọn vào đáy mắt những núi mây trùng điệp, những con đường cát trải dài bất tận.

Thỉnh thoảng, những bóng người bước chậm rãi bên những chú ngựa ngẩn ngơ hay những chú lạc đà Bactrian hoang dã đang gặm cỏ trên một thung lũng trải dài như vô tận.

Chiều hoàng hôn buông xuống, cả thung lũng nhưng ngừng lại. Mặt trời vàng rực phía chân trời tít tắm, tôi cứ nghĩ mình lạc ở một hành tinh cô đơn.

Phần lớn người dân vùng Ladakh theo Phật giáo Tây Tạng. Và không khó để bạn nhận ra rằng: Sức hút và năng lượng mãnh liệt của những tu viện này sẽ làm thổn thức những người muốn tìm hiểu Phật Giáo Tây Tạng.

Được xây dựng từ thế kỷ 14, và có lịch sử thăng trầm hơn 600 năm tuổi. Diskit Gompa là tu viện Phật giáo lâu đời nhất và lớn nhất ở Thung lũng Nubra của Ladakh, miền bắc Ấn Độ. Đây là tu viện thuộc về giáo phái Gelugpa (Cách Lỗ Phái) của Phật giáo Tây Tạng.

Diskit Gompa không chỉ thu hút du khách vì ý nghĩa tôn giáo và văn hóa mà còn bởi sự lộng lẫy về kiến ​​trúc.

Tôi như lạc vào một thế giới khác, khi được tận mắt chứng kiến những tàng thư, kinh sách cũ, thangkas, tranh tường và các di tích khác.

Bầu không khí ở tu viện này thật lạ thường. Tôi lướt qua những gian phòng, quỳ trước Đức Phật Thích Ca với một sự bình yên đến lạ kỳ.

Qua những điều đặc biệt về Ladakh, hành trình của miền chân trời, chúng tôi mời bạn đến vùng đất thú vị này cùng Du lịch có Guu:

Tour du lịch Ladakh Roadtrip.

Hoặc xem qua: Danh sách Tour du lịch Ladakh.

Nằm trên ranh giới kiểm soát giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Pangong là trung tâm của một khu vực biên giới căng thẳng trong suốt nhiều năm qua.

Hồ Pangong như một bức tranh giữa đời thực mà tôi phải thốt lên: Một nơi đẹp kinh ngạc.

Nằm ở độ cao 4.250 mét, Pangong Tso là một trong những hồ nước lợ lớn nhất ở châu Á. Hồ trải dài hơn 135 km qua biên giới Ấn Độ Trung Quốc.

Để đến được Pangong, bạn có thể dừng ghé ở Chanla Pass, con đèo có độ cao thứ ba trên thế giới (5300m).

Pangong với những khu vực đầm lầy, nhiều loài cây bụi và thảo mộc lâu năm là thiên đường cho các loài chim di cư. Trong suốt cả năm, nhiều loài chim tới đây để sinh sản.

Trái ngược với những ngọn núi nâu khô cằn xung quanh, nước hồ luôn mang màu xanh lam. Pangong là một trong những điểm đến hút khách nhất Ấn Độ và Tây Tạng. Hồ cũng từng xuất hiện trong một cảnh quay của bộ phim bom tấn Bollywood Ba chàng ngốc.

Cắm trại qua đêm là một trong những trải nghiệm nên thử nhất ở hồ Pangong. Khi đêm xuống, không gian xung quanh Himalaya trở nên tĩnh mịch. Ra khỏi khu lều, tôi dễ dàng quan sát dải ngân hà trên bầu trời quang đãng. Trời về đêm giữa mùa thu xuống đến m 10 độ.

Tôi còn nhớ nhân vật Viru Sahastrabudhhe trong bộ phim “Three Idiots” – Ba Chàng Ngốc từng nói một câu kinh điển:
“Cuộc sống là một cuộc đua. Nếu bạn không chạy nhanh, bạn sẽ bị giẫm đạp”
Đến Pangong, tôi cảm thấy mình là một người lữ khách cô đơn, nhỏ bé thật sự giữa thế giới rộng lớn này.

Hồ Tso Moriri ở vùng Changthang của Ladakh là một trong những hồ nước ở độ cao đẹp nhất, tĩnh lặng và linh thiêng (đối với những người Ladakh) ở Ấn Độ.

Đây là hồ có độ cao cao nhất ở Ấn Độ. Tso Moriri có chiều dài khoảng 19 km, thuộc một phần của khu bảo tồn đất ngập nước thuộc khu Ramsar. Đây là khu Ramsar cao nhất trên thế giới. Một số lượng lớn các loài động thực vật quý hiếm được tìm thấy trong khu vực.

Tối đó tại hồ Tso moriri mình bỏ bữa. Chỉ nhớ loáng thoáng đã chui vô cái hang đục vào vách đá như những thước phim thời sự về Afghanistan, cuộn mình vào lớp chăn dày cuộm, rồi thiếp đi mê mệt.

Giữa đêm giật mình tỉnh dậy, đầu nặng trịch. Không ngủ lại được, mình bò ra mở tung cửa sổ. Không khí lạnh cắt da tràn vào, cảnh vật ngưng đọng lại như bị ai nhấn nút “pause“, thênh thang trước mắt là một không gian lặng ngắt… tím thẫm, đầy sao lấp lánh. 

Ladakh – Kashmir chắc chắn ko phải là vùng đất mềm dịu để nghỉ ngơi nhưng chưa nơi nào làm mình nhớ quay quắt như vậy ! Những con đường khốc khô toàn đá, những cơn lạnh đông cứng, những đỉnh núi cô đơn ko một loài linh trưởng, những đáy vực lác đác những xác xe bốc cháy…

Vậy mà giữa thiên nhiên gai góc ấy, mình đã tìm thấy khoảng lặng riêng mình. Không còn khói bụi, âm thanh, công việc… phủ vây, chiều ấy chỉ có vệt cầu vồng vụt lên từ tu viện như sợi dây nối dài giữa con người với thượng đế, giữa khốc liệt với yên bình, giữa khắc nghiệt và tự tại… 

Những ngày rong ruổi trên những cung đường ngoằn ngoèo trên chuyến Roadtrip đặc biệt cũng phải dừng lại.

Tôi nhớ tiếng cười đùa của những đứa trẻ, những tiếng kinh cầu vang vọng ở các tu viện, những cơn gió rít kinh người, hay những cơn đau đầu như búa bổ vì say độ cao. Tất cả tạo nên chuyến đi đến vùng đất thật sự kỳ diệu mà không nơi nào có được.

Lòng tôi như chững lại cùng những giây phút lặng mình nhỏ bé giữa thiên nhiên kỳ vĩ. Và tôi hiểu rằng, Ladakh đã đánh cắp trái tim tôi từ lúc nào..

Bài viết: Max Vũ

Ảnh: Hùng Vũ.

Design: Kris Hảo.

Edit: Huynh Hieu Travel.